Nỗi buồn ơi, chào mi!

0

Trong cái guồng quay của cuộc sống hối hả ngày nay, nỗi buồn thật chẳng khác nào “khách trọ”. Lúc đến lúc đi nhưng với tần suất rất thường xuyên. Có những nỗi buồn ký gửi một đôi ngày, có những nỗi buồn kéo dài đến hàng năm. Theo bản năng tự nhiên, con người ta sẽ xua đuổi nỗi buồn. Vì buồn thì có gì thú vị chứ, chỉ tổ làm ngày của ta thêm phần tồi tệ. Thế nhưng cũng có những người ôm lấy nỗi buồn đó mà chuyển hóa. Hành trình này không dễ nhưng thực ra cũng không có gì là không thể.

Buồn ơi, chào mi!

Nỗi buồn cũng như niềm vui

Nói nỗi buồn cũng giống như niềm vui bởi bản chất chúng đều là cảm xúc. Đã là cảm xúc thì đều có cùng một tính chất, chính là sự tạm thời. Cảm xúc khởi phát rất nhanh, chuyển hóa rất nhanh và vì vậy cũng biến mất rất nhanh. Cảm xúc đóng vai trò như đèn hiệu, nhằm cảnh báo cho chúng ta biết sự vật, hiện tượng diễn ra tác động đến con người bên trong mình như thế nào. Chỉ có điều, con người thường lưu luyến những gì đem lại sự thoải mái, hoan lạc, hơn là những cảm xúc phức tạp, đè nén mà nỗi buồn mang đến. Nói tới đây, thật bất công cho anh bạn tên “buồn” của chúng ta quá nhỉ? Liệu có cách nào khiến anh bạn này trở nên bớt tiêu cực và dễ đón nhận hơn không? Câu trả lời là có!

Tỉnh thức gọi tên cảm xúc

Một cách cực kỳ quan trọng để chuyển hóa nỗi buồn chính là gọi tên nó. Bạn biết không, hỉ nộ ái ố có muôn hình vạn trạng. Vui cũng có trăm ngàn sắc thái của vui. Buồn cũng vậy. Khi bạn mất đi người thân, nỗi buồn ấy thế nào? Quặn thắt, bất lực, dày vò với những phức cảm về một quá khứ thiếu sự tử tế với người thân đúng không? Vậy khi mất đi người mình yêu, nỗi buồn sẽ ra sao? Hụt hẫng, vỡ vụn, đau đớn và ngột ngạt đến không thở được? Đối sánh với nỗi buồn khi mất tiền hay mất đi một thứ đồ vật yêu thích nào đó, chắc chắn nỗi buồn đã trở nên rất khác. Thế nên, muốn chuyển hóa nỗi buồn, trước tiên hãy tỉnh thức và cảm nhận rõ ràng cảm xúc ấy và sự tác động của nó lên cơ thể vật lý của mình. Đến một lúc nào đó, khi đã quá quen, bạn có thể lập tức nhận ra ngay những sắc thái khác nhau của nỗi buồn thay vì một cảm giác mơ hồ chán nản.

Chính vì cảm xúc có muôn hình vạn trạng nên hãy tỉnh thức để nhận ra chúng

Ôm lấy cảm xúc của mình

Sống trên đời làm gì có ai tích cực mãi được. Bạn biết đấy, những mảng màu tối sáng của cuộc sống cứ phải xen kẽ lẫn nhau thì con người mới ý thức sâu rõ giá trị của từng mảng màu. Trong bóng tối ta nhìn ra ý nghĩa của ánh sáng và ngược lại. Khi nỗi buồn trỗi dậy, bạn nhận ra rồi thì hãy nhìn trực diện vào cảm xúc này. Đừng trốn tránh! Nỗi buồn đang gặm nhấm bạn như thế nào bạn hãy nói ra đi. Nói chuyện với bản thân như một tri kỉ vậy. Hãy nói ra hết những uất ức bạn dồn nén bấy lâu, điều gì khiến bạn buồn đến thế. Hãy xin lỗi bản thân vì đã chưa yêu thương đủ nhiều để đến nỗi tự làm khổ mình. Hãy tha thứ cho chính bản thân mình vì những phút giây sống mơ hồ đã qua. Hãy cảm ơn bản thân vì đã đồng hành cùng bạn và đừng quên ôm lấy cảm xúc của mình, ôm lấy bản thân mình như thể bạn đang ôm vào lòng một người bạn chí cốt đáng tin cậy vậy.

Ôm lấy nỗi buồn và cảm nhận sự thông cảm, đồng điệu trong từng nhịp thở

Chấp nhận và thuận theo tự nhiên

Cảnh giới cao nhận của sự giác ngộ chính là tâm thế chấp nhận mọi sự và thuận theo tự nhiên (go with the flow). Bạn hiểu rằng cuộc sống phải diễn ra như thế, nỗi buồn đôi khi sẽ trào dâng như thế. Bạn hiểu rằng bạn đến đây để trải nghiệm nên cảm xúc nào cũng đều có giá trị của riêng nó. Bạn tin tưởng những chuyện xảy ra đều nhằm đem đến bài học cho mình. Bạn nhận ra bài học và bạn học. Khi hoàn thành bài kiểm tra, nỗi buồn cũng vì thế mà qua đi, nhanh như cách nó đến vậy.

Nỗi buồn ấy mà, ngẫm đi suy lại, đâu đó cũng có cái thi vị của nó. Khi nỗi buồn qua đi và niềm vui trở lại, bạn sẽ thực sự nhận ra cuộc sống tuyệt vời đến thế. Không có gì là mãi mãi. Chấp nhận và thuận dòng thế thôi! Chúc bạn mình an vui!

Bài trướcViết nhật ký như thế nào cho hiệu quả?
Bài tiếp theoĐại gia Gatsby & sự thật phũ phàng đằng sau giấc mơ Mỹ
Hé lu, mình là Uyn - Người chuyên thích suy ngẫm sự đời, tám chuyện và chia sẻ. Nếu bạn cũng có cùng tần số với mình, đừng ngại ngần nói cho mình nghe những gì bạn nghĩ nhé!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây