Đại gia Gatsby & sự thật phũ phàng đằng sau giấc mơ Mỹ

0

Là một trong những tác phẩm nổi bật nhất trong sự nghiệp của nhà văn F. Scott Fitzgerald nhưng ít ai biết rằng, ở thời điểm ra mắt, Đại gia Gatsby (The Great Gatsby) không phải là cái tên nhận được nhiều sự chú ý. Mãi về sau khi được tái bản trên một số ẩn phẩm, tiểu thuyết này mới thực sự gây được tiếng vang. Đối với mình, Đại gia Gatsby tái hiện khá sống động bối cảnh xã hội nước Mỹ giai đoạn 1922 – 1929. Tuy nhiên vẫn còn đó nhiều điểm cộm khiến việc cảm nhận tác phẩm trở nên khó khăn hơn. Hãy cùng mình tìm hiểu tác phẩm được xếp vào hàng ‘kinh điển’ trong bài viết này nha.

Bối cảnh nước Mỹ giai đoạn 1922 – 1929

Để hiểu được những thông điệp mà tác giả lồng ghép trong tác phẩm của mình, bối cảnh xã hội chắc chắn là phần không thể thiếu. Đối với Đại gia Gatsby, dòng thời gian được dừng lại ở giai đoạn nước Mỹ từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918) và trước thềm đại khủng hoảng kinh tế (1929 – 1933). Về chính trị, đây được xem là giai đoạn nước Mỹ ngập trong tham nhũng và bê bối chính trị. Dưới quyền lãnh đạo của tổng thống đương nhiệm Warren G. Harding và sau này là Calvin Coolidge, chính quyền gần như đứng về phía các doanh nghiệp với các chính sách kinh tế làm lợi cho thế lực tư bản tài chính. Chính vì lẽ đó, xã hội Mỹ có sự phân hóa rõ rệt và kéo theo nạn di dân từ nông thôn sang thành thị. Nếu như miền Đông được xem là thủ phủ kinh tế với thành phố Nữu Ước (New York), thì miền viễn Tây được xem là vùng đất lạc hậu, nghèo đói. Thế nhưng di dân không đồng nghĩa với việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Trên thực tế đa số dân di cư đều rơi vào cảnh đói nghèo và sống lay lắt ngoài lề xã hội.

Về khía cạnh kinh tế, thập kỷ 1920 là thời kỳ hoàng kim của tầng lớp thượng lưu tại Mỹ. Bạn biết đấy, trước thềm của một cuộc đại khủng hoảng, bong bóng kinh tế sẽ phình lên rất to. Giai đoạn 1922 – 1929 chính là như vậy. Lúc này lợi tức thu được từ cổ phiếu đã tăng rất mạnh, kéo theo sự gia tăng nhu cầu hưởng thụ vật chất của tầng lớp trên. Không chỉ mua sắm, người ta còn tìm đến hưởng lạc, giải trí một cách không kiểm soát. Sự suy đồi đạo đức xã hội khiến chính phủ Mỹ năm 1919 phải cấm sản xuất, mua bán và chuyên chở tất cả các loại rượu. Vì họ cho rằng nạn rượu chè là cội nguồn của hàng loạt tệ nạn xã hội khác. Tất nhiên có cấm thì có lách, một bộ phận bất tuân luật pháp đã cố tình buôn lậu rượu và trở thành tầng lớp đại gia như nhân vật Gatsby trong truyện.

Về mặt xã hội, những năm 1920 đánh dấu thời kỳ của những thay đổi lớn, nhất là với phụ nữ. Để chứng minh sự tự do và nữ quyền của mình, phụ nữ bắt đầu cắt tóc ngắn, không mặc áo ngực và những thứ áo bó khác như xưa. Họ bắt đầu công khai hút thuốc và uống rượu, thậm chí quan hệ tình dục bừa bãi và có tư tưởng coi ngoại tình là chuyện hiển nhiên, thời thượng.

Đại gia Gatsby – Chuyện không mới cũng chẳng cũ

Đại gia Gatsby kể về câu chuyện của một người giàu tên Jay Gatsby qua lời kể của nhân vật Nick Carraway. Địa điểm chính là trên một hòn đảo dài nhất và lớn nhất tại phía Đông Nam New York, Hoa Kỳ – Long Island. Tác giả cố tình lựa chọn hai cái tên hư cấu trên hòn đảo này là West Egg và East Egg để phần nào làm nổi bật cá tính nhân vật. Nếu như người dân ở East Egg là những người sống vật chất, hưởng thụ và không quan tâm đến cảm xúc người xung quanh, thì dân ở West Egg lại sống phô trương và phóng túng. Tuyến nhân vật xoay quanh người kể chuyện Nick Carraway, đại gia Gatsby (West Egg) và vợ chồng Tom Buchanan, Jordan Baker, vợ chồng Wilson (East Egg).

The Great Gatsby đã được dựng thành phim với chiếc meme quá sức nổi tiếng này đây

Chuyện kể rằng có một vị đại gia Gatsby ngày ngày tổ chức những buổi tiệc xa hoa tại dinh thự của mình. Mặc cho những ong bướm vây quanh trục lợi trong những bữa tiệc xa xỉ đó, Gatsby vẫn không ngừng phóng tay tiêu tiền. Số lượng người đến dinh thự của ông rất nhiều nhưng không một ai biết danh tính thực sự và ngành nghề kinh doanh của ông là gì. Mặc dù ăn uống, hưởng thụ trên những gì Gatsby chi trả, nhưng miệng đời vẫn không ngừng đàm tiếu và nói xấu Gatsby trong chính dinh thự của ông. Sau này bức màn về background của Gatsby hé lộ và sự thật về chuyện tình thầm lặng của ông cũng dần được làm sáng tỏ. Tuy sống giàu sang nhưng đến lúc chết Gatsby cũng không có cho mình một sự an ủi nào. Ông chết tức tưởi và đám ong bướm vây quanh ông lúc trước cũng lãng tránh đi đâu.

Cuộc đời Gatsby là tái hiện của một chuyện tình đau khổ. Chia tay vì thiếu môn đăng hộ đối, đàng trai nghèo, không danh vọng. Sau này kinh tế phát đạt thì người phụ nữ năm xưa đã thành vợ người ta. Gatsby sống trong mộng tưởng níu kéo tình yêu suốt 5 năm trời. Ông cố gắng vung tiền, chứng minh sự giàu có của mình với hy vọng nói với người mình yêu rằng ‘Anh đã thành đạt rồi, em có thể quay về bên anh không?’ Để rồi chính tình yêu đó đã gián tiếp đẩy ông vào chỗ chết. Ám ảnh về sự thành đạt, danh vọng hào nhoáng của những thập kỷ 1920 thực tế cũng chính là những gì đang diễn ra trong xã hội chúng ta ngày nay, chẳng phải sao?

Đại gia Gatsby và sự trần trụi của cuộc sống

Đại gia Gatsby tái hiện khá sống động những điểm chính về bối cảnh xã hội nước Mỹ như mình đề cập ở trên. Nếu như nhân vật kể chuyện Nick Carraway hành nghề buôn trái phiếu, di cư từ miền Tây sang miền Đông nước Mỹ, thì Jay Gatsby lại hành nghề buôn rượu lậu và trở nên giàu có. Đó cũng là một phần của bức tranh xã hội. Trong khi đó, vợ chồng Tom Buchanan hay Myrtle Wilson ngoại tình cũng đều cho thấy sự suy đồi đạo đức của một bộ phận người dân lúc bấy giờ. Sự lãnh cảm, vô tình của những con người từng bước qua đời Jay Gatsby cũng là gáo nước lạnh của hiện thực tàn khốc, khi con người chỉ quan tâm đến danh vọng, kim tiền mà bỏ qua tình người. Lúc vinh quang ai nấy đều bám theo để hưởng lạc, nhưng lúc hoạn nạn lại chẳng có lấy một ai. Sự trần trụi của cuộc sống cứ thể được Scott Fitzgerald bóc tách qua từng lớp lang nhân vật và diễn biến câu chuyện.

Đối với mình, đại gia Gatsby là hồi chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều người về lối sống trụy lạc, thiếu tính nhân bản, nhân văn. Đồng thời cũng là bức tranh trần trụi của thứ được gọi là “giấc mơ Mỹ”. Trong mắt nhiều người, nước Mỹ thật đáng sống, thật tự do và nhân quyền nhưng cuộc đời của những nhân vật trong truyện đã cho thấy điều ngược lại. Tuy nhiên, vì khác biệt về văn hóa nên có một số chi tiết trong truyện nếu không đọc thêm nguồn trích dẫn bên ngoài sẽ rất khó cảm thụ được. Ban đầu mới đọc tác phẩm này, mình cảm thấy khá buồn ngủ và khó nắm bắt diễn biến truyện. Nhưng càng về sau mọi thứ càng dễ dàng và dễ nắm bắt hơn. Mình nghĩ ai đọc ‘Đại gia Gatsby’ tốt nhất nên tìm hiểu trước về bối cảnh kinh tế xã hội.

Còn bạn cảm nhận như thế nào về tác phẩm này? Hãy chia sẻ cho mình biết với nhé!

ĐÁNH GIÁ TỔNG QUAN
Nội dung
Bài trướcNỗi buồn ơi, chào mi!
Bài tiếp theoHành trình đêm tối của linh hồn
Hé lu, mình là Uyn - Người chuyên thích suy ngẫm sự đời, tám chuyện và chia sẻ. Nếu bạn cũng có cùng tần số với mình, đừng ngại ngần nói cho mình nghe những gì bạn nghĩ nhé!
dai-gia-gatsby-va-su-lanh-dam-den-cung-cuc-cua-giac-mo-myChân thực, sống động về một xã hội đề cao danh vọng, kim tiền mà bỏ quên tình người. Đại gia Gatsby là bức tranh tả thực về một nền xã hội suy đồi cùng những con người vừa đáng thương vừa đáng trách. Tác phẩm rất đáng đọc và suy ngẫm vì có những liên hệ sát sao với cuộc sống chúng ta ngày nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây