Đời người được mấy lần 10 năm?

0

Bài viết này mình trích lại chủ yếu từ một bài post mình ngẫu hứng viết ra trên Facebook. Chỉ là tình cờ suy ngẫm về cuộc đời nên có những suy nghĩ này thôi chứ bản thân mình hiểu rõ rất có thể một ngày nào đó trong tương lai không xa mình sẽ lại thay đổi và những gì viết ra ở đây có lẽ không còn phù hợp nữa. Thế nhưng mình vẫn mong thông điệp này chạm đến được ai đó & đem lại giá trị nhất định, nhất là khi chúng ta đang cùng nhau cảm nghiệm về sự ngắn ngủi của đời người, rằng đời người được mấy lần 10 năm?!?

Tam quan là gì?

Bài viết này mình xoay quanh thuật ngữ “tam quan” để so sánh tính chuyển biến của sự vật, hiện tượng. Cho những bạn chưa biết, tam quan dùng để chỉ 3 yếu tố, thế giới quan, giá trị quan và nhân sinh quan. Trong đó:

Thế giới quan là tất cả những gì bạn quan sát được, thấy được, tìm hiểu được về thế giới xung quanh. Thế giới quan có thể được hình thành qua sách vở, qua những câu chuyện kể hay do chính trải nghiệm thực tế của bạn.

Giá trị quan là tất cả hệ giá trị mà bạn đúc kết sau khi đã có thế giới quan của riêng mình. Thông qua những hiện thực khách quan, bạn sẽ đánh giá được như thế nào là đúng, như thế nào là sai, như thế nào là thiện và như thế nào là ác. Từ đó xác định hệ giá trị cho riêng mình.

Nhân sinh quan chính là cách bạn lựa chọn làm kim chỉ nam cho cuộc sống của mình sau khi đã có được thế giới quan và giá trị quan. Bạn lựa chọn trở thành người như thế nào, lựa chọn đối xử với các mối quan hệ xung quanh ra sao, đó chính là nhân sinh quan.

Đời người được mấy lần 10 năm?

10 năm lần thứ nhất, ngây thơ với tất cả mọi sự trên đời. Thế giới quan lúc này cũng hạn hẹp, giá trị quan chưa định hình, nhân sinh quan chưa có khái niệm!! Tựu trung tam quan chưa rõ ràng, chỉ đơn thuần là một đứa trẻ vô lo vô nghĩ.

10 năm lần thứ hai, ngây thơ trước những cám dỗ của cuộc đời vì suy cho cùng, hầu hết đều mới thử sức lần đầu ra đời bằng đôi chân tự lập. Thế giới quan bắt đầu mở ra, giá trị quan từng bước hình thành. Nhân sinh quan dần có hình có dạng. Nhưng vì sự non trẻ của tuổi đôi mươi, tam quan lúc này thường đứng trên bờ vực của sự lệch lạc.

10 năm lần thứ ba, sự ngây thơ ngày nào dần được che chắn kín đáo bởi lớp vỏ chằng chịt những vết xước do sương gió cuộc đời. Thế giới quan nói lớn cũng chẳng lớn, nhỏ cũng chẳng nhỏ, cứ ở trạng thái lửng lơ vô định. Trong khi giá trị quan định hình rõ ràng hơn mà đa phần theo hướng cái gì lợi mình thì đúng, hại mình thì sai. Nhân sinh quan đâu đó trở nên méo mó vì chủ nghĩa vật chất, vì cơm áo gạo tiền, vì hư vinh, vì sân hận. Tam quan đa phần rơi vào lệch lạc mà không hay không biết.

10 năm lần thứ tư, sự ngây thơ ngày nào chết mòn, lớp vỏ hình thành trước đó cũng trở nên rắn rỏi khiến con người trở nên thô ráp, đôi khi lãnh cảm trước sự bất hạnh của kẻ khác. Thế giới quan mở rộng về hướng mình muốn tin, điều mình muốn nghe, thứ mình muốn thấy, rồi từ đó gia cố cho hệ giá trị mà mình gầy dựng từ thuở vấp ngưỡng 30. Nhân sinh quan rõ ràng, phản ánh chân thực tâm tính của một người. Tam quan lúc này lệch lạc hay không chắc chỉ có tự mình mình biết, không dám bàn luận thêm.

10 năm lần thứ năm, bước về chương cuối của cuộc đời, khi sức khoẻ đã không còn sung mãn như xưa, sự thiện chiến – nếu có – cũng giảm đi một nửa. Lúc này thế giới quan mới thực sự rộng mở vì con người đã bắt đầu nghĩ về cửa tử, trí tuệ tâm linh mới nhen nhóm khai mở. Người ta nhìn lại 4 lần 10 năm trước bản thân đã làm gì, đã ngông cuồng ra sao, đã đấu đá thế nào. Lớp vỏ ngụy trang trước đó dần rơi rụng từng mảng một. Giá trị quan lúc này bắt đầu có sự chuyển biến. Nhân sinh quan theo đó lung lay mà thay đổi. Tam quan lúc này không muốn cũng ít nhiều có sự đổi khác.

10 năm lần thứ 6, cuốn sách cuộc đời lật dở đến những chương cuối. Trải qua đủ sâu cay cuộc đời, thế giới quan đến lúc này cũng mở rộng đến cực hạn (cực hạn không giống nhau ở mỗi người). Giá trị quan cũng chẳng buồn thay đổi nữa, những gì cho là đúng thì cứ thế là đúng, cho là sai thì cứ thế là sai. Chung quy con cháu hay bảo “già cả bảo thủ” là vì vậy. Nhân sinh quan lúc này đã mang tính kế thừa, nghĩa là đã muốn truyền đạt lại cho con cháu tuân theo. Tam quan có lệch lạc hay không. Chịu. Cái này tùy cảm nhận.

Suy cho cùng, sáu lần 10 năm, thứ không kiên cố nhất vẫn là tam quan của con người. Có những thứ tưởng là thế nhưng ở mỗi chương của cuộc đời lại thấy khác đi. Thôi thì chẳng đúng bao giờ, mà cũng chẳng từng sai, trung dung mà sống vậy.

Bài trướcBá tước Monte Cristo – Áng văn cổ nhưng không cũ
Bài tiếp theoChữa lành (Emotional Healing) là gì? Vì sao cần chữa lành?
Hé lu, mình là Uyn - Người chuyên thích suy ngẫm sự đời, tám chuyện và chia sẻ. Nếu bạn cũng có cùng tần số với mình, đừng ngại ngần nói cho mình nghe những gì bạn nghĩ nhé!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây