Bá tước Monte Cristo – Áng văn cổ nhưng không cũ

0

Nếu có một đầu sách mình muốn khuyến khích người trẻ tìm hiểu thì chắc chắn tiểu thuyết “Bá tước Monte Cristo” sẽ là sự lựa chọn của mình. Mình biết đến tựa sách này qua lời giới thiệu của bố. Bố bảo thời trẻ bố từng đọc và vô cùng mê mẩn tình tiết truyện. Thế nên mình cũng thử đọc và say đắm luôn tựa sách này. Cùng mình khám phá vì sao Bá tước Monte Cristo lại có sức ảnh hưởng đến bố con mình như vậy nhé!

Tình tiết truyện siêu cuốn & rất “đời”

Bá tước Monte Cristo là một tuyệt tác do nhà văn người Pháp Alexander Dumas (Cha) chắp bút. Xuyên suốt mạch truyện, tác giả kể về hành trình “thay trời hành đạo” của nhân vật chính Edmond Dantes. Lấy bối cảnh nước Pháp thế kỷ XIX xa hoa, mĩ lệ, tác giả đã kể câu chuyện đầy cảm hứng về một xã hội đầy rẫy lọc lừa, toan tính, nhưng cũng chính trong xã hội ấy đã có những con người đức độ, khiêm cung.

Nhân vật chính đã bị tước đoạt 14 năm thanh xuân trong ngục tù, bị tước đoạt công danh, sự nghiệp lẫn người mình yêu, để rồi phải dành cả phần đời còn lại sống trong hận thù. Trớ trêu thay những kẻ hãm hại anh lại có thể sống nhởn nhơ trong vinh hoa phú quý. Ngày trở lại, Edmond thực hiện kế hoạch trả thù lớn nhất đời mình, trả lại quả đắng cho đúng những kẻ năm xưa đang tâm hủy hoại cuộc đời anh nhưng cũng đồng thời nhiệt thành báo đáp ân nhân năm xưa cưu mang gia đình mình.

Đối với mình, cốt truyện kể trên không mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ. Vì ở xã hội nào cũng có người thiện, kẻ ác và đôi khi cái thiện bị cái ác lấn át bằng những mưu ma chước quỷ. Thế nhưng như một lẽ tự nhiên, thiện giả thiện báo, ác giả ác báo. Kẻ ác sẽ bị trừng trị và cái thiện sẽ chiến thắng bằng cách này hay cách khác. Một cốt truyện rất “đời” và qua ngôn ngữ kể chuyện của Alexander Dumas, câu chuyện đã trở nên sống động hơn bao giờ hết và lôi cuốn người đọc đến tận trang sách cuối cùng.

Thông điệp cài cắm đầy sâu sắc

Qua câu thoại của các nhân vật, tác giả còn khéo léo lồng ghép những thông điệp cuộc sống vô cùng sâu sắc. Mình rất ấn tượng với đoạn đối thoại của nhân vật chính với người hàng xóm cũ của anh ta khi nhắc đến kẻ thù Danglars. (Leak một tí, Danglars chính là thủ phạm chính rắp tâm hãm hại nhân vật chính Edmond Dantes). Họ đã nói thế này: “Khổ cực hay hạnh phúc là bí mật của những bức tường. Tường có tai nhưng không có lưỡi. Nếu người ta được sung sướng vì tiền thì Danglars quả là sung sướng.

Ở góc nhìn của mình, câu thoại trên nhằm nói đến việc, khổ cực hay hạnh phúc của một người/ một gia đình chỉ có họ và những bức tường mới biết được. Vì con người ta chỉ muốn thể hiện ra ngoài những gì tốt đẹp nhất nhằm giữ thể diện, khoe khoang hay đơn giản là tìm kiếm cảm giác được tôn trọng từ người ngoài. Những bức tường vô tri “có tai” vì thế cũng là chủ thể duy nhất nghe thấy bí mật trong nhà, nhưng vì không “có lưỡi” nên chẳng thể kể ra. Nếu sung sướng của đời người chỉ gói gọn trong việc có nhiều tiền, thì nhân vật Danglars hẳn là rất sung sướng vì hắn có rất nhiều tiền.

Sau tất cả, mình nghĩ tác giả muốn nhấn mạnh cho việc, chỉ cần bạn sống lương thiện, trời xanh tự khắc có an bài. Đặc biệt, lời nhắn nhủ của nhân vật chính Edmond đến con trai của ân nhân đóng vai trò như một lời tổng kết cho toàn bộ mạch truyện. Edmond đã nói thế này: “Trên đời này không có hạnh phúc mà cũng chẳng có bất hạnh, chỉ là sự chuyển biến từ trạng thái này sang trạng thái khác. Chỉ có những người nào đã trải qua cảnh khổ cực mới hưởng thụ được cảnh sung sướng. Chỉ có kẻ nào sắp chết mới biết cuộc sống là thiên đường. Tất cả sự khôn ngoan của con người chỉ tóm tắt trong mấy chữ HY VỌNG và ĐỢI CHỜ.

Nghệ thuật kể chuyện đỉnh cao

Góp phần đắc lực trong thành công của tuyệt tác này chắc chắn phải kể đến ngòi bút điêu luyện của Alexander Dumas. Mình cực kì thích phong cách kể chuyện của ông – gọn gàng, súc tích, không sa đà vào kể lể lê thê, thay vào đó ông chú trọng vào xây dựng diễn biến tâm lý nhân vật qua các từ đắt giá. Chỉ cần đôi ba chữ, bạn sẽ lập tức nhận ra nhân vật đang cảm thấy như thế nào. Chẳng hạn như khi Edmond gặp lại người yêu cũ năm xưa và bị người đó nhận ra, tác giả không hề đề cập người con gái ấy có nhận ra ông hay không, mà chỉ diễn tả qua một số hành động như đồng tử mắt giãn ra, mắt rớm lệ, kiểu thế.

Cũng nhờ phong cách kể chuyện ngắn gọn như vậy mà tình tiết truyện đi rất nhanh, không có chi tiết thừa. Mọi dữ kiện đều liên kết chặt chẽ với nhau khiến người đọc bị cuốn vào mạch truyện và cảm tưởng như bản thân đang đứng ngoài quan sát nhân vật chính báo thù vậy. Trước đây mình có đọc một số tiểu thuyết hay như “Người đua diều”, “Ngàn mặt trời rực rỡ” của Khaled Hosseini hay “Sáu người đi khắp thế gian” của James Michener nhưng vì tác giả thường sa đà vào việc tả cảnh, tả này tả kia nên đôi khi mình bị mất tập trung và bị “văng” ra khỏi mạch truyện. Thế nhưng đối với “Bá tước Monte Cristo” điều đó không có cơ hội xảy ra.

Tóm lại, sau khi đọc xong Bá tước Monte Cristo lần hai, mình chỉ muốn khuyến khích bạn đọc tựa sách này càng sớm càng tốt. Vì không chỉ truyền cảm hứng sống thiện lương, sách còn truyền động lực để mình sống mạnh mẽ hơn bất kể cuộc sống có đẩy đưa mình vào tình cảnh tồi tệ như thế nào. Bạn hãy đọc thử và cảm nhận xem sao nhé!

ĐÁNH GIÁ TỔNG QUAN
Chất lượng nội dung
Phong cách kể chuyện
Xây dựng hình tượng nhân vật
Bài trướcCuộc sống vô thường đến nhường nào
Bài tiếp theoĐời người được mấy lần 10 năm?
Hé lu, mình là Uyn - Người chuyên thích suy ngẫm sự đời, tám chuyện và chia sẻ. Nếu bạn cũng có cùng tần số với mình, đừng ngại ngần nói cho mình nghe những gì bạn nghĩ nhé!
ba-tuoc-monte-cristo-ang-van-co-nhung-khong-cuBá tước Monte Cristo kể về hành trình thay trời hành đạo của nhân vật Edmond Dantes. Nội dung câu chuyện xuất sắc, ngòi bút kể chuyện điêu luyện, đầy hấp dẫn và đặc biệt hình tượng nhân vật được tác giả xây dựng rất chân thực với diễn biến tâm lý sống động tuyệt vời. Một đầu sách rất đáng đọc, nhất là với người trẻ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây