Người đua diều – Luôn có một con đường để tốt lành trở lại

0

Đã ba ngày kể từ lúc mình chính thức đọc xong “Người đua diều“. Một tác phẩm của nhà văn tài hoa người Afghanistan – Khaled Hosseini. Ngay từ lúc đọc được một nửa cuốn sách, mình đã quyết tâm sẽ viết một bài review ngàn chữ, chỉ để bày tỏ sự xúc động, yêu quý đặc biệt dành cho tác phẩm này. Mình tin không chỉ mình mà bất cứ ai từng đọc qua tác phẩm đều sẽ có chung một cảm xúc – Đó là “ĐAU“. Sau cảm xúc đó sẽ là những giọt nước mắt thấu cảm không thể che giấu.

Người đua diều – Câu chuyện về hành trình “tốt lành trở lại”

Người đua diều là câu chuyện tự sự của Amir – Một nhà văn người Mỹ gốc Afghanistan – về thời thơ ấu với quá khứ tội lỗi của mình và hành trình để tốt lành trở lại. Amir lớn lên cùng Hassan – con trai của một người đầy tớ trong nhà. Tiếng nói đầu tiên của Amir gọi tên “Baba” còn tiếng nói đầu tiên của Hassan lại gọi tên “Amir”. Nói như vậy để thấy Amir trong mắt Hassan giống như một tượng đài vậy. Amir giỏi viết nhưng “không” có được tình yêu của cha. Còn Hassan môi hẻ lại bằng một cách nào đó được Baba của Amir quan tâm, để ý. Sự đố kị, ganh tị lẫn hèn nhát của một cậu bé mười mấy tuổi đã đẩy Amir đi đến hành động tội lỗi vào một ngày mùa đông 1975. Đó là IM LẶNG. Im lặng chứng kiến tội ác diễn ra. Im lặng chôn vùi quá khứ suốt hơn hai mươi năm nhằm lấp liếm đi sự tội lỗi ấy.

Mãi về sau, Amir trở về cố hương để “sửa sai” sau rất nhiều bi kịch và mất mát. Lần đầu tiên đối diện với nỗi sợ hãi của mình để bảo vệ người-nên-được-bảo-vệ. Kể từ đó câu nói “Luôn có một con đường để tốt lành trở lại” cứ văng vẳng mãi trong tâm trí mình. Rằng chúng ta, dù có những sai lầm nhưng chỉ cần còn dám quay đầu thì chúng ta hẵng còn cơ hội để sửa sai. Tất nhiên…là với một cái giá rất đắt.

Người đua diều – Sâu sắc ngay từ tựa sách

Khi đọc quyển này mình từng tự hỏi “Tại sao tựa sách lại có tên là Người đua diều nhỉ?” Trong khi tình tiết đua diều chỉ xuất hiện vào cảnh mùa đông 1975 và cái tên “người đua diều” chỉ xuất hiện với tần suất rất ít. Mãi đến khi đọc hết, mình mới dần hiểu ra. Thực sự nhà văn quá khôn ngoan và sâu sắc trong cách đặt tựa sách cho đến cài cắm, tiết chế tình huống truyện. Người đua diều chỉ xuất hiện hai lần. Lần đầu là để thắt và lần hai là để mở. Bi kịch diễn ra ở lần đầu và bi kịch dường như được hóa giải ở lần sau. Một nụ cười vụt tắt khi tình tiết người đua diều lần đầu xuất hiện và một nụ cười được hé nở trở lại khi tình tiết người đua diều xuất hiện lần sau. Sự tương phản ấy – theo mình là quá đủ để khiến người đọc thổn thức và vỡ òa.

Sự sâu sắc của tác phẩm này còn đến từ những câu nói rất đời, rất người và không kém phần cay đắng. “Lời hứa với trẻ con vô cùng nguy hiểm“. Mình nhớ mãi câu nói đó đến mức ám ảnh khi cú twist cuối truyện làm mình bật khóc. Và còn gì nữa nhỉ? À, còn cả câu nói của Amir khi trở về Afghanistan sau hơn hai mươi năm xa xứ vì chiến tranh, đạn lạc. “Tôi cảm thấy mình như khách du lịch trên chính mảnh đất quê hương của mình“. Với người khác mình không biết, nhưng với mình câu nói đó đau hơn bất kì câu từ hoa mĩ nào. Câu nói làm dấy lên sự tàn khốc của chiến tranh, phản ảnh sâu sắc sự thảng thốt, đau lòng của một người con trên đất mẹ.

Vì cậu cả ngàn lần rồi, Amir ạ!

Mình tin chắc đó sẽ là câu nói ám ảnh nhất đến bất cứ ai đọc tác phẩm này. Bất cứ khi nào câu nói này vang lên, lại có những giọt nước mắt rơi xuống. Bạn biết không, đứng trước sự thuần khiết, trong trẻo và chân thành, mọi trái tim dù là tội lỗi nhất cũng phải tan chảy. Câu nói này vốn được Hassan nói với Amir như một câu cửa miệng. Nhưng mãi về sau, tác giả còn khéo léo cài cắm câu nói này vào đúng khoảnh khắc Amir đang trên con đường tốt lành trở lại và hoàn toàn do một người khác – không phải Hassan nói ra một cách ngẫu nhiên. Nó như một phép cộng hưởng, khiến cả nhân vật chính lẫn người đọc nhói tim. Bật khóc như một đứa trẻ.

Mình sẽ không nói quá nhiều về Khaled Hosseini và tài năng văn học của ông nữa. Vì ông quá đỉnh rồi. Chỉ cần đọc cách dùng từ, câu chữ cho đến cách tạo nút thắt, dẫn dắt vấn đề, đưa người đọc đến những cung bậc cảm xúc up-and-down cũng đủ thấy ông xuất sắc thế nào. Nhưng mình có lời khen dành riêng cho người dịch tác phẩm này. Thực sự khéo léo và lột tả được những tình huống, câu chữ đắt giá trong truyện. Mình tin nếu truyện 100% thì người dịch đã lột tả được 90% tinh thần của truyện rồi.

Lời cuối, dành cho những ai đang quan tâm. Hãy đọc cuốn này đi nhé. Đọc rồi sẽ suy ngẫm rất nhiều về cuộc sống, về chiến tranh, hòa bình, về cách làm người và cả “con đường để tốt lành trở lại”. Và mình tin chắc sẽ không ai hối hận sau khi đọc xong. Vì cảm xúc còn quá nhiều nên mình vẫn chưa sẵn sàng để đọc một tác phẩm văn học nào khác, có thể đầu sách tiếp theo của mình sẽ là cuốn “The Power” của Rhonda Byrne chăng!!!

ĐÁNH GIÁ TỔNG QUAN
Nội dung
Bài tiếp theoTừ vụ cháy rừng Amazon – Con người liệu còn xứng đáng với hành tinh này???
Hé lu, mình là Uyn - Người chuyên thích suy ngẫm sự đời, tám chuyện và chia sẻ. Nếu bạn cũng có cùng tần số với mình, đừng ngại ngần nói cho mình nghe những gì bạn nghĩ nhé!
nguoi-dua-dieu-luon-co-mot-con-duong-de-tot-lanh-tro-laiKhông thể nào phủ nhận tài năng văn học của Khaled Hosseini khi bất cứ tác phẩm nào của ông đều như xoáy sâu vào nội tâm nhân vật, xoáy vào nơi sâu nhất của sự đồng cảm giữa người với người. Nghệ thuật kể chuyện xuất sắc, cách tạo hình, dẫn dắt tình tiết thông minh đã khiến tác phẩm Người đua diều trở thành một kiệt tác.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây